Sứ Vụ Giáo Dục

25 năm trước, Cha Vang đã đến với anh em Dòng Chúa Cứu Thế, và đã thành lập hội Việt Tộc. 25 năm sau, Cha Vang cũng tạ ơn Chúa với anh em Dòng Chúa Cứu Thế.

Sứ Vụ Jrai (Jrai Mission) của anh em DCCT do Đức cha Paul Seizt Kim kêu gọi từ năm 1953, và được Đức cha đưa về Plei Kly được 30 năm (1969) thì Cha Trần Công Vang đến với Sứ Vụ DCCT Jrai và vì Cha Vang là tu sĩ DCCT nên qua các thừa sai DCCT cha đã gặp gỡ với người Jrai trong các buôn làng.

Cuộc gặp gỡ này làm cho cha Vang cũng giống như Thánh Anphonsô gặp gỡ với người miền núi Scala, làm cho Thánh Anphonsô (cũng như Cha Vang) nhận ra ơn gọi phúc âm hóa (Evangelisatio – Evangelisation) những người nghèo bị (xã hội và Giáo Hội) bỏ rơi hơn cả. Và nói theo ngôn ngữ Hội Thánh Hiệp Hành (Collegial Church) hiện tại thì Cha Vang cùng với Việt Tộc đã Hiệp Thông (Communion) – Tham gia (Participation) – Sứ Vụ (Mission) Jrai. Và nói theo Tin Mừng hôm nay, Cha Vang và Việt Tộc cho chúng ta thấy hình ảnh của Yêsu Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, trước sự tấn công của rất nhiều thứ sói hiện đại (Ga 10, 11-12).

Phúc Âm Hóa người nghèo, mà người nghèo thì có vô vàn vấn đề xã hội mà người thừa sai phải đương đầu. Một trong những vấn đề xã hội đó là vấn đề mù chữ. Đối với những người nghèo bản địa (indigenous) vấn đề lại càng trầm trọng hơn vì những lý do sau:

  • Các em bản địa không có truyền thống nhà trường (schooltime). Các em thuộc nền văn hóa truyền khẩu. Chữ viết chỉ xuất hiện với các thừa sai. Khi đi học các em phải học bằng tiếng Việt, là một ngoại ngữ đối với các em. Rời nhà trường về gia đình trong làng các em chỉ nói thổ ngữ. Cha mẹ các em phần lớn cũng rành tiếng Việt và mù chữ.
  • Nhà trường là môi trường xa lạ đối với các em, ở đó các em thường không được quan tâm và nhiều khi bị phân biệt chủng tộc.
  • Tuy mang danh là miễn phí, nhưng học sinh phải trả tiền nhiều thứ: giầy dép, sách vở, đồng phục, vệ sinh, xây dựng, trước đây còn có cả quốc phòng nữa… Mà cha mẹ các em làm gì có tiền. Nhiều phụ huynh và chính các em thấy việc đi học là việc ăn không ngồi rồi, tốn phí mà không mang lại ích lợi cho gia đình đang thiếu thốn, vật lộn với cuộc sống…

Càng học lên cao, càng gặp khó khăn, nhất là càng tốn tiền. Hết 12 năm từ cấp I, cấp II, cấp III, thêm những năm cao học hay đại học. Rồi sau đó thì sao? – Rất khó xin việc! Tôi biết có những em khi xin việc, người ta hét hai trăm, ba trăm triệu! Không một nhà Jrai nào có được số tiền lớn như thế! Đó là một rào cản cho các em, và cũng là rào cản cho những người giúp các em. Ít có người muốn giúp các em không kiên trì cốgắng học tập tới cùng. Và tôi cũng thấy thật là vất vả cho Cha Vang chạy ngược chạy xuôi làm người ăn mày đi xin tiền cho các em, cố gắng thuyết phục những người chưa xác tín lắm về công việc trăm năm trồng người này.
Trên đây tôi mới kể sơ qua vềnhững khó khăn của các em bản địa Tây Nguyên và cũng là nỗi vất vả của Cha Vang và hội Việt Tộc. Khó khăn mệt nhọc như thế, hay là ta bỏ cuộc không làm nữa? Bỏ rơi các em trong nạn mù chữ. ĐTC Phanxicô nói: như thế thật là bất công! Tới đây tôi xin mượn lời ĐTC để chúng ta suy nghĩ:

Giáo dục là « một dạng đặc biệt của phúc âm hóa »

đó là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định trong buổi tiếp kiến chung ngày 23/11/2016 trong đại sảnh Phaolô VI tại Vatican. Ngài đã tôn vinh tất cả các kitô hữu « đã hiến cuộc đời trong công việc đào tạo » góp phần « trả lại phẩm giá cho người nghèo ». Đức Thánh Cha tiếp tục phần huấn giáo về những việc làm của lòng thương xót và dừng trên việc « khuyên nhủ những người hoài nghi và dạy dỗ những kẻ dốt nát ». ĐTC tố cáo : « Trong một thế giới tiến bộ khoa học kỹ thuật cao, mà lại có những trẻ em mù chữ ! Đó là một điều bất công… Không được học hành, người ta dễ trở thành con mồi cho sự bóc lột và những hình thức tệ nạn xã hội khác nhau ».
Vậy theo ĐTC «Giáo dục, thực sự là một hình thức phúc âm hóa đặc biệt». Có một nhân vật người Pháp đã nói : Evangéliser c’est humaniser (Evangelise is humanise) – Phúc âm hóa là nhân bản hóa. Tôi xin thêm : Evangéliser c’est spiritualiser (Evangelise is spiritualise) – Phúc âm hóa là linh hóa. Đó cũng là sứ vụ (the Mission) của Việt Tộc.

Tạ ơn Chúa. Và xin Chúa chúc lành cho Việt Tộc, cho Cha Vang và cho tất cả những ai đang hiệp thông, tham gia vào sứ vụ phúc âm hóa qua việc giáo dục các con em bản địa Tây Nguyên nghèo khổ bị bỏ rơi.

Lm. Trần Sĩ Tín

Tin Sinh Hoạt

Chuyến Dã Ngoại Sinh Viên Pleiku tại Chư Sê

Chúng con được nghe những lời chia sẻ biết cách vượt qua sự tự ti của chính bản thân mình, và về lòng biết ơn, về tác phong nhanh nhẹn, sự đoàn kết, sự chủ động và tự giác , hòa đồng , tự tin , ....

Hoạt Động Hỗ Trợ

Nhà Máy Nước Giáo Họ Prteng

Ngày khởi công 20/02/2023, sau hơn một tháng thi công, công trình đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 30/03/2023.