Sắc Màu Trang Phục Thổ Cẩm Tây Nguyên

—– Văn Công Hùng —–

Nói đến Tây Nguyên ta nghĩ ngay đến vùng đất đỏ bazan và núi rừng hùng vĩ bạt ngàn xanh tươi toàn cao su, cà phê và là vùng đất chứa đựng bao sử thi hào hùng của dân tộc.

Đến Tây Nguyên ta sẽ được tận hưởng những giai điệu cồng chiêng, đắm mình và ngất ngây bên những ché rượu cần, để rồi sẽ chẳng bao giờ quên những nét tinh hoa của đất, của trời, của rừng xanh qua từng sản phẩm thổ cẩm độc đáo.

Vùng đất Tây Nguyên là vùng có nhiều dân tộc sinh sống như Êđê, Ba Na, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng,…. Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng như họa tiết hoa văn, cách phối màu, vị trí khác nhau nên trang phục của họ chính là một thành tố làm nên bản sắc ấy.

Trước đây, cô gái nào lớn lên cũng được mẹ dạy cho cách dệt thổ cẩm để dệt cho mình những bộ váy bộ áo và những vật sử dụng trong gia đình.

Thổ cẩm hiện nay là tên gọi dùng chung chỉ các loại hàng dệt có trang trí màu sắc rực rỡ.

Để có những vuông vải thổ cẩm đẹp với đường nét, hoa văn độc đáo là cả một quy trình rất công phu và mệt nhọc từ trồng bông, cán bông, kéo sợi, nhuộm màu và cuối cùng là khâu dệt.

Khung dệt của đồng bào Tây Nguyên tuy đơn giản nhưng rất đa dạng, có loại chuyên dành cho việc dệt váy, dệt chăn, lại có loại chuyên dệt những tấm vải có kích thước nhỏ hơn như là túi thổ cẩm, là khăn địu, là khố…

Dưới đôi bàn tay khéo léo của người thiếu nữ, các họa tiết hoa văn đều được dệt cùng lúc nên có thể nói những người làm ra vuông thổ cẩm là những người thợ dệt đồng thời là những thợ thêu,họ thể hiện uyển chuyển qua các: bông hoa, con chim, con ba ba, chiêng, ché, ngà voi… với nhiều sự phối trộn màu sắc tinh tế khác nhau.

Theo quan niệm của các dân tộc Tây Nguyên, nền vải thổ cẩm màu đen đặc trưng cho đất đai; màu đỏ biểu tượng sự đam mê, sự vươn lên, cho khát vọng, tình yêu; màu xanh là màu của đất trời, cây lá; màu vàng là màu của ánh sáng, là sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Trang phục thổ cẩm Tây Nguyên ngoài giá trị thẩm mỹ mang đậm nét bản sắc dân tộc, còn rất tiện dụng ở chỗ không hiện ra vết dơ, không cần phải ủi thẳng và khi giặt cũng không cần xà phòng.

Thổ cẩm Tây Nguyên rất bền chắc, phong phú và đa dạng mà hàng chợ không thể có được và trên hết sắc màu thổ cẩm Tây Nguyên đều rực rỡ, nên những sắc màu ấy đã mang đậm chất đặc trưng Tây Nguyên mà lại rất hiện đại và nó trở thành bản sắc văn hóa Việt Nam.

Bài và ảnh: Văn Công Hùng

Sưu Tầm: Nguồn Internet

Lễ Cúng Thần Lúa – Ngă Yang Hri

Khi cây lúa tới thời con gái, hay lúc cây lúa nặng hạt hay bắt đầu chín, người Jrai “ngă Yang Hri” (Yang Hri là Thần Lúa – cúng Thần Lúa). Tại thửa ruộng, chỗ cúng Yang Hri, người ta đặt một ghè rượu ở phía Đông (gah ngó) cũng gọi là phía trên.