Lịch Sử Việt Tộc

Chương trình Nhịp Cầu Yêu Thương (NCYT) được thành lập bởi Linh Mục Phêrô Trần Công Vang dòng Chúa Cứu Thế cùng một số anh chị em ở Maryland từ năm 1998 nhằm mục đích giúp các em Dân Tộc trong vấn đề học vấn. Mục tiêu của Việt Tộc Foundation là giáo dục để nâng cao đời sống người dân ở Tây Nguyên. Ngoài giáo dục, Việt Tộc Foundation còn giúp đỡ người thiểu số Tây Nguyên trong các lãnh vực y tế, phát triển, cứu trợ, huấn nghệ và văn hóa.

Đồng bào Tây Nguyên nghèo từ bao nhiêu đời nay rồi. Cái ăn các mặc họ cần lắm, nước uống khẩn thiết lắm, hơn bao giờ hết, nhất là lúc này rừng núi không còn là của họ. Cho nên những chia sẻ của chúng ta từ nước cho tới y tế, những cái nhà cái gạo cái cơm họ đều rất trân quý. Nhưng muốn thay đổi được định mệnh của họ thì học vấn là cái chủ yếu. Đó là điều mà Hội Việt Tộc muốn hướng tới, đưa học vấn trở về làng, từ cấp nhỏ cho đến đại học đến khi ra trường.

Năm 2000 Cha và Nhóm quyết định thành lập Hội Việt Tộc và chính thức đăng ký với Sở Thuế thành một tổ chức vô vụ lợi và hoạt động cho đến nay.

LM. Phêrô Trần Công Vang - Sáng Lập Viên/ Hội Trưởng

Fr. Phêrô Trần Công Vang – Sáng Lập Viên/ Hội Trưởng

Đường Hướng

Việt Tộc mong là nhịp cầu yêu thương để chúng ta tiếp tay với Đồng Bào ở quê nhà, góp phần vào đời sống khó khăn của họ, đặc biệt về mặt giáo dục cho các con em Sắc Tộc nghèo.

Đối Tượng Phục Vụ

Việt Tộc dành ưu tiên giúp đỡ các trẻ em Sắc Tộc bất hạnh. Trong số này, có các trẻ em mồ côi hoặc cha mẹ mắc bệnh phong cùi tại các buôn làng xa trục lộ giao thông của vùng Lâm Ðồng (Phú Sơn, Lộc Tân, Dam Rong, Thạnh Mỹ và Tu Tra), vùng Gia Lai (Pleiku, Pleichuet, Ayunpa, KrongPa ở vùng Pleikly, Châu Khê, Đức Cơ, Ialy), vùng Buôn Ma Thuột và Kontum.

Ngoài ra, Việt Tộc cố gắng đáp ứng một số nhu cầu nâng cao đời sống của người dân Sắc Tộc như nhu cầu y tế, và văn hoá.

Những Hoạt Động Chính

Giáo Dục

Chọn phương án giáo dục để góp phần giải quyết vấn đề nghèo đói là một thách thức về mặt thời gian, nhận thức và cộng tác của phụ huynh.

Y Tế

Hỗ trợ y tế, chăm sóc và phát thuốc cho hàng ngàn đồng bào ở những làng vùng xa; cùng sự cộng tác của  giới y sĩ và những người thiện chí tại Việt nam.

Làng Phong

Quan tâm giúp đỡ đặc biệt đến các buôn làng xa xôi hẻo lánh nghèo đói vì bị bệnh phong cùi; bị ruồng bỏ và sống cô lập hoàn toàn với xã hội bên ngoài.

Phát Triển

Giúp một giếng nước sạch, một hệ thống lọc nước cho cả làng dùng chung là một việc cần thiết cho sức khỏe cộng đồng hiện tại và tương lai.

Lịch Sử Hoạt Động

  • GIAI ĐOẠN ƯƠM MẦM: 1998-2000

    Thoạt đầu, các buôn làng lập danh sách các em có hoàn cảnh khó khăn do cha hoặc mẹ chết, hoặc bị bệnh tật, mất sức lao động… ở Lộc Tân, Pleikly, Pleichuet và Ayunpa. Rồi từ từ lan ra các làng lân cận: Krôngpa, Phú Thiện, Phú Quang, Iale, Ialy, …

    Ở Lâm Đồng, từ Phú Sơn lan ra R’Lơm, R’Teng, Xoan, Ryongsre, Đạ Rkôh, Đanung, …

    VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN : Đưa được nhiều trẻ đến trường, không có nghĩa là xong việc. Việt Tộc muốn nâng cao trình độ các em. Thế nhưng, công việc này không dễ dàng chút nào : có một số em đã bỏ học nửa chừng. Lý do: có em vì ham chơi hơn ham học; có em vì hoàn cảnh gia đình túng thiếu phải bỏ học, phụ giúp cha mẹ đi chăn bò, lượm phân… có em học không nổi, không tiếp thu được bài học nên chán nản bỏ cuộc (hs cấp 2). Công bằng mà nói: Học chung với người Kinh, các em Dân tộc gặp nhiều khó khăn như bị Thầy Cô phân biệt đối xử, bạn bè khinh thường; Tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ, nên các em không hiểu hết những gì thầy cô giảng, mà các em còn nhút nhát không dám hỏi.

    Kết quả sơ khởi: Sau 3 năm trợ giúp, kết quả vẫn là con số 0. Các linh mục, đặc biệt là các linh mục ở vùng truyền giáo, lúc nào cũng bận rộn với những việc mục vụ… Giờ đâu mà chăm sóc đến việc học các em. Còn Phụ Huynh thì sao ? Đa số không cho việc học là cần thiết và quan trọng: Học cũng được, không học cũng được. Một số khác cho rằng đi học mất ngày giờ, vì không có người làm việc nhà. Thế nên, một số em học lơ là lấy có, kết quả không mấy khả quan: chỉ đạt Trung bình hay yếu.

    Thực tế có em sau 3 năm vẫn chưa biết đọc, biết viết, nhưng vì thành tích, Thầy Cô vẫn cho em lên lớp đều đều… để lấy tiếng: “DẠY TỐT, HỌC TỐT”.

  • KIỆN TOÀN CƠ CẤU: 2001 – 2012

    Sau mấy năm kết quả không mấy khả quan, Việt tộc quyết định thay đổi đường hướng là chỉ giúp Học bổng cho những em chịu khó đi học: Ai đi học thì giúp, ai không học thì thôi. Điều này làm cho một số Phụ Huynh không hài lòng, vì con em họ bị gạt ra ngoài. Điều này có nghĩa: Việt tộc không nhằm trợ giúp Kinh tế, mà là hỗ trợ phương tiện để con em họ đi học, có thêm được kiến thức. Và họ cũng cần phải thay đổi não trạng là “Việt tộc không giúp cho tất cả mọi người, mà chỉ giúp cho một số người thỏa theo những yêu cầu của Hội”.

    CỘNG TÁC VIÊN : Nhờ có Học bổng của Việt Tộc, các em được cắp sách đến trường. Về nhà các em được các “Ako khul”(1) đôn đốc, theo dõi việc học. Trong tuần các em quy tụ lại chung với nhau 2, 3 lần để ôn bài vở. Chính nhờ các buổi học theo nhóm này, các em đã khá hơn. Việt Tộc đã gọi các Ako khul là CỘNG TÁC VIÊN của mình. Hiên nay số Cộng Tác Viên đã lên đến khoảng 150 người, trong đó có nhiều bạn trẻ tiếp nối công việc của cha anh mình, hoặc các anh chị sinh viên đã ra trường, nay quay về giúp lại buôn làng.

    VAI TRÒ CỦA CÁC NỮ TU : 4 vùng thời ban sơ đều do các linh mục đảm trách, nhưng các linh mục – đặc biệt là các linh mục ở vùng truyền giáo – bận bịu với biết bao công việc mục vụ, các ngài không thể cáng đáng việc chăm sóc, đôn đốc việc học tập. Do đó công việc tỉ mỉ này được giao lại cho các Sơ đảm trách.

    LẤY BẢNG ĐIỂM : Song song với việc tổ chức ‘học theo nhóm’, Việt Tộc đẩy mạnh chương trình của mình bằng cách bắt đầu cho lấy bảng điểm để những người phụ trách theo dõi sức học các em và có biện pháp giúp đỡ khi cần. Các em lười học, bỏ học… Việt Tộc không trợ giúp nữa. Các em ‘học yếu’ được Việt Tộc gia hạn thêm một năm nữa để xem kết quả có gì tiến triển hơn không, bằng không sẽ cắt.

    MÔ HÌNH “NHÀ NỘI TRÚ” : Một số buôn làng, các gia đình sinh sống rải rác, khó cho việc các em quy tụ học theo nhóm; hoặc một số nơi khác, do thiếu Cộng tác viên hướng dẫn, nên kết quả việc học tập không cao…

    Ở nhà nội trú, do điều kiện sống chung với nhau, các em có nhiều thời gian học tập, sinh hoạt, ôn bài vở… đặc biệt các em còn được các Thầy Cô luôn có mặt để giảng giải các bài tập khó, hay giúp lấy lại kiến thức cho những em mất căn bản. Mô hình “Nhà Nội Trú” đã đem lại nhiều kết quả rất đáng biểu dương, như : nhà nội trú ở Mang Yang, nhà nội trú Duy Tân ở Pleiku, nhà nội trú Pleichuet…

    Bên Lâm Đồng có nhà nội trú Phú Sơn, Đinh Văn, Dampao, Thạnh Mỹ…

    Ghi chú: (1) : Ako khul (Jrai), Yao Phu (Bahnar) : Ban Chức việc.

  • TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN: 2013 – 2018…

    Có mặt trên quê hương Việt Nam từ năm 1998, Việt Tộc đã góp phần không nhỏ cho việc phát triển dân trí đồng bào Sắc tộc ở Tây nguyên và Cao nguyên Nam phần.

    KẾT QUẢ VỀ HỌC VẤN: Việt Tộc giúp học bổng cho các em bậc Tiểu Học, Trung Học Cơ Sở và Phổ Thông Trung Học. Thêm vào đó, là các Nhà Trẻ & Mẫu Giáo. Ngoài ra, sau khi học xong Trung Học, các em tiếp bước lên bậc Đại Học với các Trường Đại Học chánh quy, Cao Đẳng hay Trung Cấp.

    Việt Tộc rất quan tâm đến 2 lãnh vực Sư Phạm và Y Tế. Nhiều sinh viên đã chọn học các ngành nghề này và năm 2013 là năm đầu tiên mà Việt Tộc gặt hái được thành quả sau nhiều năm mong đợi. Hiện nay với hơn 3.300 học sinh và 350 sinh viên mà Việt Tộc đang giúp học bổng, mỗi năm có khoảng từ 40 – 45 sinh viên tốt nghiệp ra trường.

    Các sinh viên Sư Phạm Mầm Non, Tiểu Học và Trung Học lần lượt tốt nghiệp. Các Y tá, Dược tá cũng được cấp bằng mỗi năm, và có ai tin rằng người Dân tộc cũng đậu được bằng Bác sĩ Y Khoa như ai. Họ đã tốt nghiệp Bác Sĩ đa khoa tại trường Đại Học Y Dược TP.HCM như Bs Ganh Siu (Ayunpa), Bs K’Du Nét (Di Linh – Lâm Đồng) , hay Rô H’Miên (Ayunpa) Điều Dưỡng, và Bs Ka Hưm (Lâm Đồng) sẽ ra trường tháng 10 năm nay.

    Những tên tuổi như: Helena Siu H’Nhi (tốt nghiệp âm nhạc chuyên ngành T’rưng), Touneh My Nhon (cử nhân ngành Hóa Học), K’ Dip, K’ Xuyên (cử nhân ngành Thực vật học), K’Sĩ (Kỹ sư Công nghệ Ôtô), Khiu (Kỹ sư Xây Dựng), Nay Pôn (Kỹ sư Tin Học), Mưng (Sư Phạm Tiểu Học), Ngoc Xjteen (Giáo dục Mầm Non), Anna Lucya (Sư Phạm Tiểu Học), v.v… và v.v… đã làm rạng danh Việt Tộc, nêu gương sáng cho đàn em bước theo. Đức Cha Micae mỗi lần ghé thăm… cũng đều nhắc nhở, động viên các em phải siêng năng học hành: “Đất đai ruộng vườn có ngày mất, Tiền bạc có ngày hết, nhưng CÁI CHỮ luôn đi với mình… mình chết mới hết. Nhưng trước khi chết cũng còn nói được một câu với kẻ cướp đất, cướp nhà của mình…”.

Chương Trình Học Bổng

Tiêu Chuẩn Xét Học Bổng

Theo như thống kê mới nhất năm 2017, hiện tại Hội Việt Tộc đang cung cấp cho các em sinh viên học sinh thuộc dân tộc thiểu số vùng Tây nguyên 2,499 học bổng, trong số đó có 2,332 học bổng cho học sinh , và 167 học bổng cho sinh viên .

Sau đây là những tiêu chuẩn cứu xét học bổng cho các em:

  • Các em phải là người sắc tộc thiểu số vì Hội Việt Tộc là một chương trình thiện nguyện giúp đồng bào sắc tộc tại cái buôn làng xa xôi.
  • Bản thân các em ước muốn đi học, và ước muốn này được các em trình bày rõ ràng trong một bức thư gửi đến Hội. Các em phải được sự đồng ý hỗ trợ của phụ huynh để các em có thể đến trường thường xuyên.
  • Các em phải tham gia họp nhóm. Việc họp nhóm này được thực hiện bởi các Cộng Tác Viên địa phương để giúp việc học tập của các em được hiệu quả.
  • Các em phải tham gia các sinh hoạt cộng đoàn tại địa phương.

Về phần các sinh viên, vì hoàn cảnh phải đi học xa nhà, tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Nha Trang, Huế… các em cũng có các Cộng Tác Viên để liên lac, giúp đỡ, và sinh hoạt thường xuyên với các em.

  • Các em cũng phải cam kết tham gia sinh hoạt nhóm Sinh Viên Việt Tộc.
  • Các em cam kết sẽ trở lại phục vụ buôn làng (tùy theo hoàn cảnh) sau khi các em tốt nghiệp.

Muốn nhận được học bổng Việt Tộc, các em phải được sự giới thiệu của những người phụ trách tại địa phương (linh mục, tu sĩ, hay các trưởng cộng tác viên). Hội có những cộng tác viên giúp thu thập, chứng nhận, cứu xét các hồ sơ xin học bổng, và sau khi các học bổng đã được chấp thuận bởi Ban Dự Án Học Vấn Giáo Dục, các cộng tác viên sẽ theo dõi tiến trình thực hiện, và báo cáo kết quả cho Hội.

Trước khi chấp thuận dự án học vấn ở một đia phương, linh mục hội trưởng và ban điều hành sẽ: viếng thăm nghiên cứu môi trường; thành lập ban Cộng Tác Viên nhằm theo dõi, nâng đỡ các em và tạo cơ cấu sinh hoạt họp nhóm để các em học tập tốt hơn.

Thành Quả Chương Trình Học Bổng

  • 2005-2006: 731 học bổng
  • 2006-2007: 1,065 học bổng
  • 2007-2008: 1,485 học bổng
  • 2008-2009: 1,527 học bổng
  • 2009-2010: 1,018 học bổng
  • 2010-2011: 1,277 học bổng
  • 2011-2012: 1,432 học bổng
  • 2012-2013: 1,643 học bổng
  • 2013-2014: 2,500 học bổng
  • 2014-2015: 1,750 học bổng
  • 2015-2016: 2,546 học bổng
  • 2016-2017: 2,496 học bổng
  • 2017-2018: 2,230 học bổng *

*From this number, there were 220 college and university students.